Thành lập Việt_Nam_Canh_tân_Cách_mạng_Đảng

Tháng 5/1975, tướng Hoàng Cơ Minh chỉ huy soái hạm HQ-3 di tản chiến thuật đến Guam, tạm trú trong trại Barrigada. Theo lời của những người di tản cùng với ông thì tinh thần của ông lúc đó còn rất là hăng hái và không chấp nhận đầu hàng chế độ mới. Ông cho rằng Việt Minh lúc đầu khởi sự cũng không có gì với một nhóm dân quân miền Thượng,[5] đồng thời quân đội Việt Nam Cộng Hòa thực chất có tổ chức rất lỏng lẻo.[6][7] Chính vì lí do đó, tướng Hoàng Cơ Minh muốn tổ chức lại một tổ chức có quản lí chặt chẽ như phía Cộng sản, với hệ thống quân đội và đảng phái chính trị lãnh đạo.[6] Ngày 30/4/1980, Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam thành lập do Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch Mặt Trận và đại tá Phạm Văn Liễu làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại. Về ngày thành lập của Mặt Trận, theo ý kiến của những người từng tham gia mặt trận vào thời điểm đó thì ngày 30/4/1980 thực ra chỉ là ngày "ước định", do khi tướng Hoàng Cơ Minh cùng những người trong mặt trận đến Thailand thì trên đường đi tất cả mới quyết định lấy ngày 30/4/1980 làm ngày thành lập mặt trận.[8] Trên thực tế, 3 tổ chức Lực lượng Quân dân Việt Nam, Tổ chức Phục hưng Việt Nam và Tổ chức Người Việt tự do quyết định giải tán để họp nhất thành Mặt Trận nên đại diên của cả ba tổ chức trong chuyến đi đến Thái Lan đều nhất trí với nhau lấy ngày 30/4/1980 làm ngày thành lập, để tránh trường hợp 3 tổ chức nói về ngày thành lập là 3 ngày khác nhau.[7][8]

Mục tiêu của tổ chức Mặt Trận là "đấu tranh giải phóng Việt Nam khỏi chế độ Cộng sản" bằng phương pháp bất bạo động. Để có thể tiến hành các hoạt động đấu tranh chính trị, bất bạo động, tổ chức Mặt Trận đã tìm cách liên kết với chính phủ Thái Lan để đặt một căn cứ trên đất Thái. Ngày 18 -  26/11/1981, tướng Hoàng Cơ Minh cùng các thành viên trong Mặt Trận đến Bangkok liên lạc với tướng Thái Hadsayin thuê đất, thuê rừng nằm ở biên giới Thái-Lào, thuộc làng Nong Noi, tỉnh U Bon, lập căn cứ khu chiến. Ngày 8/3/1982, tổ chức Mặt Trận công bố cương lĩnh chính trị tại khu chiến. Tại hải ngoại, Mặt trận đã tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi người Việt ở nước ngoài (chủ yếu ở Pháp và Mỹ) ủng hộ đường lối đấu tranh của họ qua tờ báo Kháng chiến, vận động tài chính qua các Phong trào Yểm trợ kháng chiến, Đoàn Văn nghệ kháng chiến. Vốn thu được do Mặt trận quyên góp được dùng để mở chuỗi cửa hàng Phở Hòa trên khắp nước Mỹ.[9] Trong những năm tiếp theo, Mặt trận tổ chức các cuộc xâm nhập vũ trang vào Việt Nam với mục đích xây dựng căn cứ, hạ tầng cho hoạt động đấu tranh (không phải nhằm mục đích chiến tranh vũ trang với quân đội Cộng sản). Các chiến dịch Đông Tiến xâm nhập Việt Nam lần lượt bị lực lượng vũ trang 3 nước Đông Dương đánh bại. Các chiến dịch Đông Tiến thời điểm này bao gồm:

  • Năm 1985, Đặng Quốc Hiền, với chức danh "tư lệnh lực lượng vũ trang kháng chiến" dẫn đầu 40 binh lính tìm cách vượt biên vào Việt Nam. Toán xâm nhập bị Lực lượng Biên phòng Lào chặn đánh, nhóm phải quay về Thái Lan. Cùng năm, Đặng Quốc Hiền chết vì bệnh sốt rét tại "chiến khu" (theo lời kể của các thành viên Việt Tân).
  • Ngày 15/5/1986, Mặt Trận tiến hành "chiến dịch Đông Tiến I", do Dương Văn Tư dẫn 100 quân xâm nhập vào Việt Nam. Ngày 19/9/1986, khi vừa đặt chân lên biên giới Việt Nam, toán quân Dương Văn Tư bị Lực lượng Biên phòng Việt Nam (đồn 637), LàoCampuchia phục kích và gây tổn thất lớn, toán còn sống sót phải quay về Thái Lan.
  • Ngày 1/12/1986, Mặt Trận mở cuộc hành quân "Đông Tiến II" xâm nhập vào Việt Nam lần nữa và đích thân Hoàng Cơ Minh chỉ huy. Khi toán quân chuẩn bị vượt sông Mekong thì bị quân đội Việt - Lào phối hợp đánh chặn nên buộc phải quay về căn cứ.
  • Ngày 7/7/1987, Mặt Trận tiến hành cuộc hành quân "Đông Tiến II" lần thứ hai với mục tiêu xâm nhập vào Việt Nam, đến Tây Nguyên để dựng lên căn cứ. Theo kế hoạch, toán quân sẽ vượt sông Mekong, sang tỉnh Salavan thuộc miền Nam nước Lào rồi từ đó, dưới sự dẫn đường của 20 thổ phỉ Lào, sẽ đi về tỉnh Sêkông và xâm nhập khu vực ngã ba biên giới, thuộc tỉnh Kon Tum, Việt Nam.[10] Ngày 11/7/1987, đoàn quân vượt sông Mekong vào đất Lào. Hai mươi ngày sau khi tiến gần đến biên giới Việt Nam thì bị quân đội Lào phối hợp với quân du kích chặn đánh tổng cộng 15 trận. Đêm 27/8/1987 trong trận đánh cuối cùng, Hoàng Cơ Minh bị thương và tự sát. Toán quân tan rã, một số chạy về Thái Lan, một số bị bắt sống.

Trong chiến dịch Đông Tiến II năm 1987, Hoàng Cơ Minh bị thương và tự sát. Năm 1991, chiến dịch Đông tiến III do thiếu úy dù Đào Hoa Kế chỉ huy cũng bị đánh tan.[7] Sau cái chết của Hoàng Cơ Minh, Mặt trận hầu như chỉ thu gọn lại trên hình thức tuyên truyền vận động trong giới người Việt tại hải ngoại.

Năm 2001, tổ chức Mặt Trận chính thức công bố sự thật về cái chết của đề đốc Hoàng Cơ Minh. Năm 2004, tại Đức, tổ chức Mặt Trận tuyên bố giải tán và công khai hóa Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (gọi tắt là Việt Tân). Đảng Việt Tân chủ trương đấu tranh "chấm dứt chế độ độc tài" bằng phương thức "đấu tranh bất bạo động" với tuyên bố "chủ trương tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam để giải phóng đất nước thoát khỏi ách độc tài Cộng sản hầu có điều kiện chấm dứt tình trạng nghèo nàn và lạc hậu của đất nước".[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt_Nam_Canh_tân_Cách_mạng_Đảng http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42194931 http://www.bbc.com/vietnamese/mobile/vietnam/2010/... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38989501 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/1511... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/1605... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/1608... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/1608... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/1610... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/1610... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/1610...